Sunday, November 2, 2014

E- Cõi Âm Thủy (Thủy đài kinh)



Sơ khai chuyển hóa Địa Thiên
Phát từ âm khối khai liền thủy âm
Hóa công chuyển lập địa âm
Kết liền thủy giới khối âm địa hành.

____________________________

Thủy Thiên vạn pháp chơn minh tự
Ngộ kiết đài dương thủy địa hư
Minh tâm kiết giả chơn như tạng
Tri ngộ chơn như kiết thủy đài
Thủy Thiên hóa tạo giữa trần ai
Chuyển vận càng khôn cảnh đọa đày
Phàm nhơn xuống thế làm thiên thủy
Cửu khí quan âm phủ diệt tầng
Phàm sanh thủy điển loài sanh khí
Ấy cõi trầm luân đọa linh nhi.


                                               Bạch Long Vương khai bút




1/- Sơ lược tiểu sử tứ vị Long Vương
Tứ vị Long Vương vốn là bốn tiểu vô cực điển ở vào thời khai thiên rơi nhằm vào hành thiên thủy. Ở vào hành thiên thủy nầy có 4 vùng: thanh thủy, hắc thủy, hoàng thủy, bạch thủy. Mỗi vị rơi nhằm một vùng, trong hành thiên thủy nầy chỉ có âm mà không có dương.
Khi tiểu cực rơi vào các hành ấy công phu tu luyện trải qua mấy ngàn năm thủy ngươn mà chẳng đạt thành. Nhân khi ấy các chơn vị Thập bát hợp lại dùng đại vô cực điển chứng đắc hóa quang khai hóa lập cõi Thiên hư, lúc bấy giờ có Ngài Di Lặc (theo truyền thuyết qua kinh điển) nhìn thấy trong lúc chiếu quang soi rọi khắp nơi, lúc đó tứ vị Long Vương sắp thành hình nhưng chưa đạt huyền công vì thiếu dương công quang điển. Ngài Di Lặc cũng biết rằng nếu tứ vị được tiếp độ dương công quang điển thì chỉ có thể biến hóa được thành loài sinh vật có tri giác mà thôi, không thể biến thành một Thiên nhơn để ngự vào cõi Thiên hư, Ngài dùng huyền công chuyển hóa dương trợ giúp tứ vị thoát được hành thiên thủy chuyển lớp.
Kể từ khởi thủy xuất thân là một tiểu vô cực điển thời khai thiên đến lúc được Di Lặc phật Vương trợ giúp huyền công đắc thành rời được khỏi hành thiên thủy tứ vị đã trải qua mấy ngàn ngươn kỷ mà chỉ phát ánh quang chiếu tỏa rạng một vùng mà thôi. Với một thời gian dài không thể tưởng tượng và hình dung được, tứ vị đã dầy công kiên nhẫn công phu. Sự kiên trì trong đạo hạnh không thể đo lường được trong sự hiểu biết phàm trí của thế trần.

Khi phật dương trợ giúp tứ vị hóa thành sắc tướng bay lên thoát khỏi vùng thiên thủy mang hình tướng loài sinh vật có tri giác. Vị trụ tại vùng hắc thủy thì mang tướng sắc màu đen, vị trụ tại vùng thanh thủy thì sắc tướng màu xanh, vị tại vùng hoàng thủy thì sắc tướng màu vàng, vị ở vùng bạch thủy thì sắc tướng màu trắng.
Rời khởi hành thiên thủy ấy, ngài Phật vương hóa công chuyển huyền quang trợ giúp cho chư vị. Trải qua thời gian lâu dài nữa tính theo niên thế trần có hằng ngàn ngươn, tứ vị công phu cố luyện phép thọ rút những thanh quang khí ở các hành chuyển động công phu của tứ vị biến hóa được thành Thiên nhơn, nhưng tứ vị đã thọ thiên âm thủy dù có công phu chứng đắc thành thiên nhơn nhưng điển quang của tứ vị phải tọa ngự ở vùng Thủy hư mới chứng đắc được.
Nếu muốn ngự ỡ cõi Thiên hư thì phải trải qua muôn trùng khó khăn trong tu luyện, vì thủy âm khí lúc nào cũng vây phủ, nên phần dương quang khí khó thu vào được.
Do duyên đó, tứ vị mới tự hóa mình làm sinh vật ở cõi Thiên hư hạ thế. Tứ vị tự mình khai hóa ra một vùng thủy thiên ngự trị để trau dồi điển quang của mình. Cho nên từ vị có những danh vị Long vương là như thế.
Sau cùng tứ vị Long vương hợp sức công phu khai hóa lập ra các cõi gọi là Thiên thủy hư.
Trong các cõi Thiên thủy hư tứ vị chiếc hóa quang điển của mình thành nhơn thiên thủy.
Chiếc hóa công phu đắc thành đầu tiên của Nhơn thiên thủy gọi là Ngũ long công chúa.
Từ đó các vị ngũ long tiếp tục tu luyện tập trau dồi công phu ỡ cõi Thiên thủy hư và chiếc hóa quang điển của mình biến thành các loại vạn vật trong vùng thiên thủy.
Những danh từ mà phàm thế hôm nay thường dùng là những danh vị do tứ vị để lại mà thôi.
Thí dụ: Lục cung Thánh mẫu là một ngũ vị ngũ long mà thôi.
Trong cõi thiên thủy hư nầy tứ vị Long vương khai hóa ra các tầng, cõi giống như ở cõi Thiên hư. Có Thiên Thần, Thủy Thần như ở cõi Thiên. Đặc biệt Thủy hư chỉ có 2 tầng cấp: Thiên Thần và Thủy Thần mà thôi. Khi chứng đắc quả Thiên Thần ở cõi Thủy hư thì quang điển có thể trở về cõi Địa tiếp tục công phu để trở về cõi Thiên.
Ở thời hậu thế mạt pháp, tứ vị Long vương có trách nhiệm cai quản bể trầm luân. Cõi âm thủy là cõi để cho những linh hồn vướng nghiệp trầm luân, mà tứ vị là những quan tòa phán xét.
Bể trầm luân tức là cõi âm thủy, thời mạt hạ nầy những linh hồn đọa lạc nầy phải trở vào ở trong chín dòng lạc thủy. Cõi âm thiên thủy của tứ vị ở vào thời thượng sẽ biến thành khối âm quang để cho những linh hồn đọa lạc tự tìm tu mà trở về cõi Thiên. Trong khi còn ở tại cõi âm thiên thủy, các linh hồn bị đọa tự biết đau khổ, tự đọa đày, đầy sự khó khăn vất vả, những nỗi đau thương hưởng lấy cái quả của tiền kiếp.
Cõi âm thiên thủy nầy đặc biệt trong thời mạt hạ là nơi dành cho những linh hồn sa đọa cùng đồng cảnh bị đọa ở cõi âm địa còn có phần đỡ hơn, vì ở đây những vong linh không thể nào trốn thoát được, vì toàn là màn đêm dày đặc, không có khí dương. Vị giáo chủ chưởng quản Thiên thủy hư cung là Ngài Bạch Long Vương.

2/- Chơn lý thủy đài
Thủy vương là một cõi vô ảnh trong vô hình trên mặt nước, có một phương đặc biệt ngự trị trong cõi vô hình.
Thủy vương có 9 tầng bao phủ. Trong 9 tầng nầy có 6 cửa cung:
1- Thượng thiên cung
2- Thánh thủy cung
3- Long nhị cung
4- Thủy địa cung
5- Hạ long cung
6- Lục thủy cung (Lục thanh cung)
Lục thanh cung hay Lục thủy cũng gần sát với nhân sanh theo danh từ về đường thủy ta gọi làThiên nhơn thủy, tức là cửa cung gần sát với nhân âm và nhân dương. Cung nầy do Lục cung thánh mẫu chưởng quản, còn có danh từ là Lục cung thủy kiều.
Long vương cung không phải là nơi ngự dưới thủy triều sâu thẩm, mà ngự ở một vùng âm địa sát với cõi ta bà cách không thiên địa. Vị Long Vưong chưởng quản từ cõi Thiên trở về ngự ở thủy cung, vùng ngự trị của Long vương là khoảng cách không không, ngang với cõi u minh, nhưng phải qua 9 tầng thủy triều. Muốn đến Long vương cung phải qua 9 cửa ải. Muốn qua 9 cửa ải phải qua các lớp đại dương to lớn. Mỗi cửa như vậy đều có một vị chưởng quản.

Tính từ Long vương cung đến lục cung là cung gần sát với thế phàm, tức là trên phần thủy triều nầy phải qua 9 cửa, nhưng chỉ có 6 cung (Lục cung nằm ngang với mặt địa ở vào cái không không vô ảnh, chốn cách không nầy không có khí dương hút quang điển).
Nếu nói về quang điển chứng đắc thì gọi là Thiên thủy điển và lướt qua dễ dàng trong bất cứ đại dương nào, nhưng trong cõi nầy không có điển dương nên không thể bay về cõi Thiên được. Đây là sự riêng biệt của thủy cung. Nếu chứng đắc thì gọi là dương thủy điển, còn những vong linh vất vơ vất vưởng trên dòng thủy gọi là âm thủy điển. Cho nên dù lạ một đại quang điển ở cõi Thiên muốn đến thủy cung cũng không phải dễ dàng, vì quang điển không qua được 9 dòng thủy triều vô ảnh nầy.
Nói về binh của thủy vương thì không phải là binh tôm tướng cá như nhân sanh thường hiểu mà là những vong linh nhơn thiên và di chuyển cũng bằng tàu thủy vô hình.
1- Thượng thiên cung: do bà Thủy long nữ chuởng quản. Vị nầy có quyền năng lớn. Mưa to gió lớn, sóng dậy ba đào đều do bà làm.
2- Thanh thủy cung: do bà Thanh long nữ chưởng quản.
3- Long nhị cung: do bà Bạch long nữ chưởng quản.
4- Thủy địa cung: do Ngài Ngư Công Đồ sát chưởng quản.
5- Hạ long cung: do bà Đồ long ngũ nương chưởng quản.
6- Lục thủy cung: do bà Lục cung thủy kiều chưởng quản.
Ngài Đồ ngư công có nhiệm vụ đi tuyển binh thủy, nghĩa là đi bắt nhơn phàm về làm binh, những thuyền qua lại trên thủy triều do Ngài chưởng quản, nếu nhơn sanh nào biết được kêu gọi Ngài trong lúc sóng to gió lớn thì sẽ được độ trì an lành (Ngài đã đắc đạo và trở lại cõi Thiên âm thủy mượn lớp ngư độ nhơn sanh).
Cửa lục cung do bà Lục cung thánh mẫu chưởng quản. Những vong linh thác về đường thủy phải trở về cung bà để tuyển lựa. Chỉ có những vong linh có khí số về đường thủy mới được bà đưa về cung thứ 5 do bà Đồ Long ngũ nương chưởng quản. Nơi đây các vong linh thọ nhận thủy âm điển do bà Đồ long ngũ nương truyền dạy.

Khi các phần vong linh thu rút được thủy âm điển thì mới lướt qua cửa cửu đường lạc thủy và còn gọi là Hắc âm thiên địa thủy (Hắc âm thiên địa thủy là 9 lớp không thanh khí. Cõi nầy là hoàn toàn màu đen tối huyền diệu).
Đặc biệt trong 9 tầng đen tối nầy có cửa cung thứ 3 và thứ 4. Một vong linh khi thọ nhận thủy âm điển thì qua được lớp hắc khí và gặp cửa thứ 3 do Bạch long nữ chưởng quản. Nếu đến được cung thứ 3 thì được thọ nhận linh thủy điển (tức là thọ ánh sáng linh thủy quang). Nếu ngược lại vong linh không thọ rút được âm khí thì sẽ bị rơi giữa 9 dòng lạc thủy mà thành vong linh vất vơ vất vưởn không nơi nương tựa, sau cùng phải trở về cung thứ 6 của Lục cung thánh mẫu.
Nếu nhận được linh thủy điển thì linh quang trở nên trong sáng, bắt đầu trở thành những tiểu điển nhi tương đương cấp Trạng cõi Thiên. Sau khi chứng đắc linh quang thủy nầy bay hết 9 tầng lạc thủy mới đến cửa ải của Đồ ngư công trấn giữ. Đây là cửa ải địa đầu khó khăn cho các tiểu điển. Đến cung nầy các tiểu điển phải làm binh gia của Ngài. Khi làm binh gia tất phải bị thủy trầm lên xuống thủy triều, đó đây hành binh hành pháp. Còn là một tiểu điển nên việc hành pháp rất khó khăn, nơi đây mới được Đồ ngư công truyền binh pháp để lướt gió mây mới băng qua 9 đường lạc thủy dễ dàng.
Có một số tiểu điển không thọ rút được quang điển, vì các tầng nầy không có thanh khí, không có quang điển âm dương mà chỉ toàn là một khối vô ảnh, không có khí âm dương nên bị rơi hoàn cốt lại thành vong linh (giai đoạn nầy tiểu điển phải công phu tu luyện hết sức cố gắng mới thọ rút được âm dương, lúc đó mới được ở trong 9 tầng lạc thủy nầy,  nếu không sẽ bị rơi ra 9 tầng lạc thủy mà trở thành vong linh).
Các tiểu điển khi qua được cửa ải nầy thì chứng đắc quả Thủy Thần, tức thành một đại linh quang thủy, từ đây mới đi qua các cửa cung và bắt đầu học pháp đạo của cõi thủy địa. Nếu tiếp tục qua được cửa thứ 2 và thứ 1 thì đến được nơi ngự của Long Vương, tất chứng đắc thành Đại linh quang, từ đó bắt đầu công phu tu luyện. Nếu qua được cung thứ 2 và 1, tức là đến pháp cung Đồ nương, nơi dành cho các Đại quang điển học đạo lập công đức. Phải qua lại, lên xuống 9 tầng lạc thủy để lập công bồi đức và không bị nhiễm ô thì đại linh quang thọ rút từ từ Thiên âm khí, Địa dương khí, Thủy thiên khí (các khí nầy do tạo hóa tự nhiên mà có). Nếu thọ rút được 3 phần thanh khí nầy tức là thọ đủ dương âm, lúc bấy giờ Đại quang điển bay về cõi Thiên dễ dàng. Được thọ nhận đủ 3 thanh khí thì Đại quang điển đằng vân được, tức là đạt đạo. Nếu không chứng đắc được quả đằng vân thì đời đời ở trong 9 tầng lạc thủy mà hành pháp.



3/- Các cõi của Thủy vương


Thiên hư là cõi thủy nhập niết bàn
Thủy hư là cõi giữa chốn trần gian
Địa hư là cõi thiên đàng ma vương

Muốn vào cõi Thiên âm thủy phải qua 9 tầng lạc thủy mây khói mới vào được 6 cửa cung và đến được 3 cõi.

a- Cõi Thiên hư: là cõi đắc thành chứng quả của những phần thanh thủy điển. Một thanh thủy điển đắc thành chứng quả bước vào cõi Thiên hư nầy phải qua 9 tầng mây khói, vào được lục cung bắt đầu hóa điển công phu chứng đắc.
Khi đã đến được cõi Thiên hư, tức là phải trải qua thời gian dài ở cõi Thủy hư. Cõi Thủy hư nầy ở trong vòng cõi lạc tướng. Cõi Thủy hư nầy huyền ảo vô biên, không còn có 9 dòng lạc thủy và 6 cung điện thủy mà chỉ còn là huyền ảo vô biên, màu sắc xinh đẹp quyến rũ lòng phàm. Cảnh giới nầy giống như cảnh thọ tưởng ngũ hành.
Nếu là một thanh quang điển đi qua phạm vướng ngũ hành tức là thanh quang điển đó rơi vào địa hư làm vong linh ma quái, tức là vong linh đó bị trầm luân. Cho nên khi nhơn sanh qua những biển lớn, hay khúc vòng Hoàng hà sẽ nghe những tiếng kêu la của vong linh, đó là những vong ở cõi Địa hư kêu gọi chúng sanh dâng thực cho chúng. Những phần vong nầy có thần thông phép tắc.
Nếu là thanh quang thủy điển vượt qua ngũ hành tức là những cảnh giới ngũ sắc thì hóa dương quang điển qua cõi Thiên hư, tức là đã vượt qua cõi Thiên địa thủy. Qua cảnh giới nầy thanh quang điển ở vào cõi trung giới tức là Thiên thủy địa, chuẩn bị cho linh quang vào cõi Thiên hư học đạo.
Ở cõi âm thủy, những thanh quang điển chứng đắc to lớn, nhưng khi trở về cõi Thiên thì nhỏ bé, phải đi vào luật của Thiên. Từ đây trở thành một tiểu quang biến hóa, tức là chứng đắc quả Thần của cõi Thiên. Từ cấp nầy trở lên, khi xuống thiên âm rất dễ dàng, cho nên những quang điển nào biết rẽ nước đường âm thủy, thì đó là những quang điển chứng đắc từ cõi nầy.
Cõi Thiên âm thủy là một cõi riêng biệt chỉ học những phép mầu mà không biết những giáo lý giải thoát để độ nhân sanh.

b- Cõi thủy hư: thuộc vào cảnh giới ngũ sắc. Trong cảnh giới nầy có thọ tưởng ngũ hành. Khi thọ tưởng ngũ hành thì phải có sắc tướng, tướng ngã, hữu tâm vô tướng. Trong cảnh giới nầy các thanh linh điển phải vượt qua như một trường thi. Thọ tướng ngũ hành thì có sự lôi cuốn quyến rũ, vì có tướng quan, tướng sắc, tướng tâm, nó chiếu rọi cho các thanh linh điển nhìn thấy cái vui, sướng, khổ giống như cảnh sắc quyến rũ của thế trần. Nếu các thanh linh điển vượt qua: tướng sắc, tướng ngã, tướng tâm, thì các thanh linh điển nầy chứng đắc mà trở về cõi Thiên, bằng như vướng phải các điều kể trên thì sa vào Địa hư ngạ quỷ.

c- Cõi địa hư: Nói về cõi địa hư là nói về một cảnh giới đen mờ, mà vong linh sa vào sẽ bị u tối, không còn nhận biết đâu là thiên đường, đâu là địa ngục, mà chỉ biết thụ động ở cảnh giới mình đang ở. Ngoài ra không còn biết cách nào để thoát khỏi đường u mê nầy.
Cõi địa hư là cõi đọa luân của các phần thanh linh điển bị sa trầm, hoặc chờ ngày đưa về lục cung để minh xét tìm đường học đạo. Hoặc đời đời kiếp kiếp u mê tăm tối, chờ tạo thiên lập địa trở lại mới được xét xử đầu thai thành giống nhân mới, nhưng phải trải qua thời gian dài công phu, có khi hàng trăm, hàng ngàn thế kỷ, một thời gian dài không thể tính bằng năm, tháng giống như định luật ở cõi u minh.
Những phần linh điển mang hình tướng, sắc tướng chẳng qua là do phép thần thông biến hóa, đôi khi mượn lớp ngư tu luyện thành linh quang thủy điển, tức là đã phàm hóa. Nếu đã phàm hóa thì mang lớp hài cốt nào cũng được. Có khi hóa thành nhơn phàm để tiếp tục tu luyện hoặc hóa gốc cũ để tiếp tục độ nhân.
- Trường hợp ngư ông: (cá ông) thường hay cứu khổ nhân sanh trong lúc đi biển bị đắm thuyền. Đó là một linh quang điển đã chứng đắc công phu. Ngài là một linh quang điển trấn giữ một tầng lớp thủy triều và hóa thành sắc tướng độ nhân sanh lập công đức.
- Trường hợp cá nược là những phần tướng soái cầm binh, nơi nào có các Ngài cho nhân sanh thấy là báo cho nhân sanh biết sắp có xẩy ra chẳng lành. Lúc nào các Ngài xuất hiện tất sẽ có binh đao. Tóm lại các Ngài xuất hiện nơi đâu nhiều lần thì nơi đó tất sẽ có đau khổ.
- Còn những loại ngư chuyên nuốt nhơn phàm là những loài súc sanh, ngạ quỷ, chúng đã có công tu luyện và mượn phàm xác ngư để hại nhân sanh.


TRỞ VỀ TRANG CHÁNH - Hội Thông Thiên Chơn Giáo

No comments:

Post a Comment